Sáng kiến kinh nghiệm Hướng dẫn học sinh phân tích chùm ca dao than thân mở đầu bằng từ "Thân em..." theo đặc trưng thi pháp thể loại

Sáng kiến kinh nghiệm Hướng dẫn học sinh phân tích chùm ca dao than thân mở đầu bằng từ "Thân em..." theo đặc trưng thi pháp thể loại

"Nhân vật trữ tình của ca dao dù là chàng trai, cô gái ( ) hay người phụ nưa làm dâu, là vợ, làm mẹ ( ) mỗi khi cất tiếng ca hướng về cuộc đời mình chỉ thấy buồn, thấy khổ, thấy tủi. Và khi đó, tiếng ca cất lên bằng tiếng hát than thân, phản kháng tràn ngập thứ tâm lí cảm xúc buồn bã, đau thương, oán trách" (Thi pháp Văn học dân gian- Lê Trường Phát, H. GD. 2000- Tr 230-231)

Đó cũng chính là đặc điểm của nhân vật trữ tình trong hai bài ca dao trên.

Ngoài nhân vật trữ tình là người phụ nữ, hai bài ca dao còn nhắc đến những nhân vật khác, những đối tượng vắng mặt có thể nhận thấy được qua đại từ "ai".

Xác định nhân vật trữ tình là bước đi cơ sở để tìm hiểu và phân tích một bài hay một chùm ca dao. Ở đây, nhân vật trữ tình cùng một kiểu, một tuyp, là tiếng lòng của cùng một đối tượng: Người phụ nữ trong xã hội cũ. Họ là nạn nhân của chế độ phong kiến bất công, thân phận bị lệ thuộc, bấp bênh dù mang những phẩm chất và giá trị đáng quý.

 

doc 14 trang Người đăng Hoài Minh Ngày đăng 15/08/2023 Lượt xem 1699Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Hướng dẫn học sinh phân tích chùm ca dao than thân mở đầu bằng từ "Thân em..." theo đặc trưng thi pháp thể loại", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÀO CAI
TRƯỜNG THPT CHUYÊN TỈNH LÀO CAI
----------------
 Sáng kiến kinh nghiệm năm học 2012 - 2013
Đề tài:
HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH 
CHÙM CA DAO THAN THÂN MỞ ĐẦU BẰNG TỪ "THÂN EM" THEO ĐẶC TRƯNG THI PHÁP THỂ LOẠI 
Họ và tên giáo viên: BÙI THỊ PHƯƠNG THÚY
Chức vụ: Giáo viên
Tổ chuyên môn: Ngữ Văn 
 Lào Cai, ngày 20 tháng 4 năm 2013
MỤC LỤC
Nội dung ..Trang
Phần 1: Đặt vấn đề 3
Phần 2: Giải quyết vấn đề 3
 I. Cơ sở lí luận: Vấn đề thi pháp và thi pháp 
 thể loại VHDG  4
 II. Thực trạng  4
 III. Biện pháp tiến hành : Hướng hiệu quả đối với việc
 phân tích các bài ca dao theo đặc trưng thi pháp
 thể loại ca dao, dân ca  5
 IV. Hiệu quả của SKKN .. 10
Phần 3: Kết luận  11
Danh mục TLTK . 13
Đề tài:
 Hướng dẫn học sinh phân tích chùm ca dao than thân mở đầu bằng từ "Thân em" trong SGK Ngữ văn 10 theo đặc trưng thi pháp thể loại.
Phần 1. ĐẶT VẤN ĐỀ
	Văn học dân gian là nguồn vốn quý giá của VH dân tộc, đây cũng là nội dung văn học giữ vị trí quan trọng trong chương trình Ngữ văn được giảng dạy ở THPT. Vì vị trí đặc biệt quan trọng, nên vấn đề giảng dạy Văn học dân gian luôn được coi trọng, thể hiện ở việc luôn có sự đổi mới trong lựa chọn, thay đổi, điều chỉnh  trong việc đưa tác phẩm Văn học dân gian vào giảng dạy ở trường THPT, trong việc các giáo viên luôn tích cực lựa chọn các cách thiết kế, phương pháp dạy học tối ưu nhất để thực hiện thành công việc dạy và học phân môn này.
	Cho đến nay, vấn đề Tìm hiểu tác phẩm văn học dân gian theo đặc trưng thi pháp thể loại đã khẳng định được tính ưu việt của nó đối với việc phân tích, chiếm lĩnh cái hay, cái đẹp, những nét đặc sắc tinh túy của một tác phẩm Văn học dân gian nói chung. 
 Với thể loại ca dao, thể loại trữ tình sớm hình thành và gắn liền với đời sống tinh thần của người dân lao động Việt Nam có đặc trưng thi pháp thể loại riêng biệt, đặc sắc. Để thấy hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm thuộc thể loại này, cách hữu hiệu nhất là đi từ đặc trưng thi pháp của thể loại Ca dao. Người viết xin được trình bày đề xuất cách phân tích Chùm ca dao than thân mở đầu bằng từ "Thân em" trong SGK lớp 10 (NC) theo hướng đó.
Phần II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. CƠ SỞ LÍ LUẬN: Vấn đề Thi pháp và Thi pháp thể loại Văn học dân gian
1. Thi pháp
 Thi pháp là toàn bộ hình thức nghệ thuật được nhà văn sáng tạo nhằm thể hiện nội dung tác phẩm bao gồm hệ thống những nguyên tắc, cách thức xây dựng hình tượng, tổ chức tác phẩm, lựa chọn và sử dụng, tổ chức các phương tiện ngôn ngữ để làm nên tác phẩm văn học.
2. Thi pháp thể loại Văn học dân gian
Mỗi thể loại, mỗi thời đại sáng tác có đặc trưng thi pháp riêng.
Mỗi tác phẩm Văn học dân gian tồn tại dưới hình thức một thể loại.Mỗi thể loại có những đặc trưng thi pháp tạo nên tính khu biệt giữa các thể loại. Có những yếu tố thuộc đặc điểm thi pháp là phù hợp khi tìm hiểu tác phẩm thuộc thể loại này nhưng lại bất lực khi áp dụng để tìm hiểu một tác phẩm thuộc thể loại khác. Ta chỉ có thể giải mà hoàn toàn một tác phẩm văn học dân gian khi đặt nó trên cái nền chung của thi pháp thể loại.
	Từ những lí luận cơ sở trên, tôi sẽ trình bày hướng phân tích chùm ca dao than thân mở đầu bằng từ Thân em trong SGK Ngữ văn 10 theo đặc điểm thi pháp thể loại ca dao.
II. THỰC TRẠNG:
	Đã có nhiều cách tiếp cận với các tác phẩm Văn học dân gian được đề cập đến từ trước tới nay, cũng có khá nhiều công trình của các học giả có nghiên cứu hoặc đề cập đến phương diện này, trong đó, nổi bật lên là các vấn đề:Tìm hiểu các tác phẩm dân gian từ các đặc điểm thi pháp thể loại trong Những đặc điểm thi pháp thể loại Văn học dân gian của Đỗ Bình Trị, Thi pháp Văn học dân gian của Lê Trường Phát, Thi pháp ca dao của Nguyễn Xuân Kính, Mấy vấn đề phương pháp nghiên cứu, giảng dạy Văn học dân gian của Hoàng Tiến Tựu Nhưng trong thực tế giảng dạy Văn học dân gian trong nhà trường chưa có sự quan tâm thực sự đúng mức cho vấn đề này.
 III. BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ: Hướng hiệu quả nhất đối với việc phân tích hai bài ca dao theo đặc điểm thi pháp của thể loại ca dao - dân ca.
Bài 1:
	 Thân em như tấm lụa đào
 Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Bài 2:
	 Thân em như củ ấu gai
 Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
 Ai ơi nếm thử mà xem
 Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi
	Chùm ca dao trên mang khá đầy đủ các đặc điểm thi pháp của thể loại ca dao, thể hiện ở các yếu tố: nhân vật trữ tình, không gian- thời gian nghệ thuật, kết cấu, thể thơ, những thủ pháp nghệ thuật chủ yếu Ta sẽ tiến hành phân tích chùm ca dao từ những đặc trưng thi pháp thể loại này.
	1. Một đặc điểm quan trọng của ca dao là: dù cảm xúc được thể hiện trong bài ca dao mang màu sắc cá nhân rõ nét, nhưng đó chắc chắn không phải là tiếng nói của một cá nhân day nhất, riêng biệt, khu biệtmà bao giờ tiếng nói ấy cuãng là tâm sự, là xúc cảm của một cộng đồng, một tập thể hay một số người. Hai bài ca dao trên cũng vậy, nhân vật trữ tình trong hai bài ca dao là người phụ nữ, là cô gái đang bộc bạch nỗi niềm. Đó không phải là lời than của một cá nhân nào cụ thể mà là tiếng nói của biết bao thân phận phụ nữ nhỏ bé phải chịu những bất công, ngang trái, những nghịch lí trong xã hội cũ.
"Nhân vật trữ tình của ca dao dù là chàng trai, cô gái () hay người phụ nưa làm dâu, là vợ, làm mẹ () mỗi khi cất tiếng ca hướng về cuộc đời mình chỉ thấy buồn, thấy khổ, thấy tủi. Và khi đó, tiếng ca cất lên bằng tiếng hát than thân, phản kháng tràn ngập thứ tâm lí cảm xúc buồn bã, đau thương, oán trách" (Thi pháp Văn học dân gian- Lê Trường Phát, H. GD. 2000- Tr 230-231)
Đó cũng chính là đặc điểm của nhân vật trữ tình trong hai bài ca dao trên.
Ngoài nhân vật trữ tình là người phụ nữ, hai bài ca dao còn nhắc đến những nhân vật khác, những đối tượng vắng mặt có thể nhận thấy được qua đại từ "ai".
Xác định nhân vật trữ tình là bước đi cơ sở để tìm hiểu và phân tích một bài hay một chùm ca dao. Ở đây, nhân vật trữ tình cùng một kiểu, một tuyp, là tiếng lòng của cùng một đối tượng: Người phụ nữ trong xã hội cũ. Họ là nạn nhân của chế độ phong kiến bất công, thân phận bị lệ thuộc, bấp bênh dù mang những phẩm chất và giá trị đáng quý.
	2. Hai bài ca dao đều kết cấu theo lối kể chuyện (trần thuật). Kể chuyện trong ca dao tuy có "truyện" nhưng rõ hơn cả là tâm trạng, là "tình" trong đó. Những bài ca dao này cũng thế. Chất "sự" ở đây là chuyện của những người con gái không có tự do, số phận và giá trị bị định đoạt bởi kẻ khác. Nhưng nếu hiểu như vậy thôi thì chưa đủ, chưa thể tri âm được với tác giả dân gian. Điều cốt yếu là qua đó ta thấy được sự đau khổ, xót xa, nỗi niềm bi phẫn và tinh thần phản kháng của những thân phận "thấp cổ bé họng" vốn bị rẻ rúng, đành phải phó mặc. Chính điều này khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc, là chất "tình" được thể hiện qua những bài ca dao này. Từ đó, ta thấy sức sống tâm hồn, tình yêu tự do và khát vọng giải phóng, khát vọng khẳng định giá trị bản thân của những người phụ nữ, để thêm yêu quý và trân trọng họ
	3. Những câu ca dao than thân trên được sáng tác theo thể thơ lục bát truyền thống- thể thơ thường gặp nhất trong ca dao dân ca. Với ưu thế đặc biệt: giàu nhạc tính, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người những câu ca dao trên đã phát huy tối đa sự ưu việt của nó. Nhịp của câu 6 không còn giữ nhịp truyền thống (2/2/2) mà biến thể thành nhịp 2/4. Nhịp thơ thay đổi do nhu cầu diễn tả trạng thái cảm xúc của nhân vật trữ tình. Từ Thân em tách ra riêng lẻ, như nhấn mạnh thêm nỗi tủi cực, nhỏ nhoi của thân phận bé nhỏ trước những biến động. Câu 8 sử dụng nhịp 4/4, ngắt đôi dòng thơ như nhân thêm nỗi bấp bênh vô định, đầy trắc trở may rủi mà người con gái phải đối mặt.
	Có thể nói thể lục bát là một yếu tố thi pháp quan trọng tạo nên nét đặc sắc của chùm ca dao này.
	4. Tác giả dân gian đã sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật truyền thống trong xây dựng hình ảnh của ca dao. Nổi bật là nghệ thuật so sánh và ẩn dụ.
Nói lên ý thức về bản thân và sự trớ trêu của số phận, có lẽ không thủ pháp nào có khả năng diễn tả hay và thấm thía hơn nghệ thuật so sánh ở những câu ca dao này:
- Thân em như tấm lụa đào
- Thân em như củ ấu gai
Ta thấy trong những câu ca dao trên, phép so sánh trực tiếp với từ so sánh "như" được sử dụng nhằm khẳng định nét tương đồng của các sự vật. Trong đó vế sau ( đối tượng so sánh) làm nổi bật vế trước (vế được so sánh)
Ở đây, vế được so sánh: thân em
 Đối tượng so sánh: tấm lụa đào, củ ấu gai
Đối tượng so sánh cho thấy sự "tự ý thức: của về được so sánh (thân em - nhân vật tữ tình) . Nhân vật trữ tình rất có ý thức về mình, nhận thức được vẻ đẹp, sự quý giá, trong sáng và cả sự yếu đuối của mình: tấm lụa đào vừa đẹp vừa sang, vừa quý giá nhưng cũng mỏng manh mềm yếu. Củ ấu gai thì vỏ ngoài thô nhám mộc mạc, nhưng ẩn chứa bên trong là sự thuần khiết ngọt lành Người phụ nữ ở đây đã ý thức về bản thân mình như thế, chắc hẳn đều không phải những cô gái tầm thường, hời hợt mà phải là sự tự ý thức của những người phụ nữa sâu sắc, chín chắn, giàu trải nghiệm, những con người xứng đáng có được hạnh phúc.
 Nhưng thực chất số phận của họ lại không được như vậy, tính chất bi kịch cũng vì thế mà đậm nét hơn rất nhiều. Ở một người bình thường, không hạnh phúc đã là lâm vào nghịch cảnh, không thể có niềm vui. Ở một người có đầy đủ những tư chất tốt đẹp, lại luôn tự ý thức được giá trị của mình mà lại vấp phải những éo le hay không được biết đến những giá trị cao quý ấy thì còn đau khổ đến đâu! Ý nghĩa của biện pháp so sánh chính là để làm nổi bật những trạng thái cảm xúc khổ đau buồn tủi như thế của nhân vật trữ tình.
	Bằng những hình ảnh so sánh khác nhau, mỗi câu ca dao nói lên một tình cảnh khác nhau, một tâm sự khác nhau của người phụ nữ. Đó là cô gái đang âu lo trước "xa tắp đời mình" - không biết tương lai rồi sẽ ra sao. Câu hỏi tu từ "biết vào tay ai" cho thấy thế bị động, phụ thuộc của cô gái trước việc hôn nhân trọng đại của đời mình. Cô gái không có quyền lựa chọn mà hạnh phúc lại nằm trong tay kẻ khác, được định đoạt bằng may rủi, ngẫu nhiên hay "duyên số" theo cách nói của người xưa. Duyên dáng dịu dàng, quý giá là thế, nhưng liệu ai có biết, có nâng niu. Vào tay kẻ hiền nhân quân tử biết trọng, biết tiếc cái đẹp hay kẻ phàm phu tục tử sẵn sàng giày xéo lên cái đẹp vốn mong manh bấy yếu? Hạnh phúc hay khổ đau, không phải chủ động kiếm tìm được mà đầy may rủi giữa cuộc đời này. Đó là sự khiêm nhường mà cũng là niềm kiêu hãnh của cô gái khi nói về bản thân mình qua một lối so sánh đầy bất ngờ, táo bạo: "thân em như củ ấu gai" Đọc đến đây, người đọc ngỡ như cô gái quá khiêm tốn, ví mình như củ ấu giấu mình trong bùn đất, bé nhỏ, thậm chí xấu xí và quá đỗi bình thường! Câu sau là lời miêu tả thật thà không có chút "đánh bóng", "làm hàng": Bên trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen Nhưng càng đọc, mỗi câu ca dao lại cho ta một phát hiện mới mẻ, thú vị: tâm hồn dịu dàng, đằm thắm thiết tha qua lời mời nhẹ nhàng tình tứ, để dẫn đến kết luận cuối cùng: "Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi". Điểm nhấn của bài ca dao, điều mà nhân vật trữ tình muốn nói nằm cả trong câu cuối này: lời khẳng định một cách tự tin, kiêu hãnh về giá trị bản thân, ngược lại với những gì bên ngoài dễ dàng nhìn thấy thô nhám và giản đơn là sự tinh túy, ngọt ngào đầy sức sống. Đọc lại, đằng sau lời mời ấy ta vẫn cảm nhận vị đắng của nỗi xót xa: liệu có mấy ai hiểu được chân giá trị, khám phá được cái đẹp tiềm ẩn bên trong để mà biết nâng niu, yêu quý? Hay chỉ coi đó là những vật tầm thường không thèm đếm xỉa? Nên lời mời cất lên ai oán, xa xót
* Hệ thống câu hỏi được sử dụng khi tiến hành phân tích chùm ca dao than thân mở đầu bằng từ "Thân em" theo đặc điểm thi pháp thể loại:
1. Nhân vật trữ tình trong hai bài ca dao trên là ai? Điểm giống nhau về mặt văn bản ở đây là gì? Từ nhân vật trữ tình có thể suy rộng ra đối tượng được nói tới ở đây là ai?
2. Có người cho rằng hai bài ca dao có kết cấu theo lối đối đáp. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?
3. Nếu sử dụng một thể thơ khác , không phải thơ lục bát, chùm ca dao trên sẽ mất đi sắc thái gì?
4. Thủ pháp nào được sử dụng trong chùm ca dao? Chỉ rõ hiệu quả nghệ thuật?
5. Sưu tầm những câu ca dao có chung kết cấu mở đầu bằng từ "thân em"
IV. HIỆU QUẢ CỦA SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
 Việc hướng dẫn học sinh phân tích không theo cách truyền thống là từng bài riêng lẻ (bài 1; bài 2) mà theo cấu trúc cụm bài ( chúng tôi sử dụng thuật ngữ là "chùm ca dao") đem lại hiệu quả nhận thức rõ rệt. Học sinh không chỉ cảm nhận được một cách chính xác và sâu sắc các hình ảnh và cảm xúc chứa đựng trong các bài ca dao mà còn được trang bị phương pháp phân tích, để có thể tự cảm nhận, tự tìm hiểu những bài ca dao có cấu trúc tương tự, cũng có thể áp dụng để tìm hiểu các chùm tác phẩm, nhóm tác phẩm văn học dân gian khác. 
 Cụ thể, người viết đã ứng dụng phương pháp trên vào việc giảng dạy bài "Những câu hát than thân" trong chương trình Ngữ Văn 10 và việc khảo sát đã cho thấy bài dạy đạt được kết quả cao hơn so với phương pháp phân tích tách rời. Tại lớp 11 Anh sử dụng phương pháp phân tích mới, lớp 11 Trung sử dụng phương pháp truyền thống. Kết quả cụ thể:
Lớp 10 Trung
Tổng số HS
Số HS biết cách phân tích 2 bài ca dao
Số HS biết phân tích các bài ca dao khác cùng chủ đề
22
20 (90%)
15 (68%)
Lớp 10 Anh
Tổng số HS
Số HS biết cách phân tích 2 bài ca dao
Số HS biết phân tích các bài ca dao khác cùng chủ đề
38
35 (92%)
33 (86%)
 Phân tích kết quả trên, chúng tôi nhận thấy phương pháp mà chúng tôi đang nghiên cứu là phương pháp phù hợp và có thể đạt được hiệu quả cao khi áp dụng vào thực tiến dạy học.
PHẦN III. KẾT LUẬN
	Trong phần phân tích trên, chúng ta đã sử dụng thao tác phân tích tác phẩm văn học dân gian theo đặc trưng thi pháp thể loại . Với việc áp dụng đặc trưng thi pháp ca dao để phân tích chùm ca dao trên, tôi tin đã có thể khai thác những nét đặc sắc cơ bản về cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Nói cách khác, đi từ đặc trưng thi pháp của thể loại ca dao, ta đã có thể thấy được hoàn cảnh, trạng thái cảm xúc của nhân vật trữ tình: sự tự ý thức về giá trị của bản thân, số phận đầy bất trắc, bấp bênh trong chế độ nam quyền dưới thời phong kiến. Từ đó khẳng định chất hiện thực và giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc của hai bài ca dao.
 Trên đây là những ý kiến của người viết về vấn đề phân tích một đơn vị kiến thức cụ thể trong nội dung một bài học, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác kiến thức cho học sinh khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu một cách khoa học gắn liền với Lí luận văn học. Cách làm này chắc chắn sẽ có tác dụng nâng cao được hiệu quả giảng dạy.
HẾT
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
SGK Ngữ văn 10 Nâng cao - Nxb GD- 2012
Văn học dân gian Việt Nam- Hoàng Tiến Tựu- GD- 1999
Ca dao trữ tình Việt Nam - Vũ Dung - GD- 1994
Đặc điểm thi pháp các thể loại văn học dân gian Việt Nam- GD- 1999
Những thế giới nghệ thuật ca dao- Phạm Thu Yến - GD- 1999
Văn học dân gian Việt Nam - Lê Chí Quế - GD- 1999 
 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
SGK Ngữ văn 10 Nâng cao - Nxb GD- 2012
Văn học dân gian Việt Nam- Hoàng Tiến Tựu- GD- 1999
Ca dao trữ tình Việt Nam - Vũ Dung - GD- 1994
Đặc điểm thi pháp các thể loại văn học dân gian Việt Nam- GD- 1999
Những thế giới nghệ thuật ca dao- Phạm Thu Yến - GD- 1999
Văn học dân gian Việt Nam - Lê Chí Quế - GD- 1999 

Tài liệu đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_huong_dan_hoc_sinh_phan_tich_chum_ca_d.doc