Để dạy tốt phần từ ngữ cần ghi nhớ giáo viên cần lưu ý rằng: "từ ngữ tích luỹ trong đầu học sinh không phải là một sự sắp xếp lộn xộn mà phải tạo thành hệ thống nhất định. Do vậy khi sử dụng từ học sinh mới nhanh chóng huy động và lựa chọn được từ ngữ chính xác nhất là vào hoàn cảnh giao tiếp của mình. Chính vì đặc điểm này để mở rộng vốn từ cho học sinh giáo viên cần chú ý tới quy luật liên tưởng khi dạy giáo viên cần chuẩn bị một hệ thống câu hỏi phát hiện để liên tưởng cho học sinh tập hợp từ một cách có hệ thống và hiểu sâu hơn.
Phần 1: Mở đầu 1. Lý do chọn đề tài: Dạy Tiếng việt ở Tiểu học, chúng ta cũng nhằm theo hai loại yêu cầu lý thuyết và thực hành như đã nói. Ngay từ lớp 2 chúng ta đã cố gắng làm cho các em hiểu câu là gì, gồm những bộ phận nào, thế nào là tiếng, là từ, tiếng và từ có những đặc điểm gì. Nhưng bên cạnh đó còn phải dạy cho học sinh biết sử dụng Tiếng Việt văn hoá để giao tiếp, trong giờ Tiếng Việt trong nhà trường cung cấp cho học sinh những tri thức khoa học về ngôn ngữ nhưng việc dạy học như thế không phải là mục đích tự thân mà mục đích chủ yếu: 'Trau dồi và phát triển ngôn ngữ, sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ trong hoạt động giao tiếp hàng ngày, rèn luyện cho học sinh các kỹ năng nói, nghe, đọc, viết Tiếng Việt văn hoá mà còn phát triển cho học sinh một cách toàn diện. 2. Thực tiễn: Trong thực tế giảng dạy môn Tiếng việt làm thế nào để dạy học từ ngữ về rèn kỹ năng học bài thực hành của học sinh lớp 4, điều mà bản thân tôi và nhiều giáo viên khác quan tâm. Với mong muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học từ ngữ, vì vậy tôi có một số biện pháp rèn kỹ năng học bài, thực hành của học sinh lớp 4 để nghiên cứu tìm ra phương pháp cách thức, quy trình dạy phù hợp với đối tượng và học sinh nơi mình đang giảng dạy cũng như một số vùng ngoại thành khác. 3. Mục đích nghiên cứu: Tìm hiểu phương pháp dạy phân môn từ ngữ ở lớp 4 với quy trình và cách thức hợp lý nhằm nâng cao chất lượng dạy và học qua mỗi giờ lên lớp. 4. Nhiệm vụ nghiên cứu: - Tìm hiểu một số vấn đề lý luận về phương pháp dạy học từ ngữ kiểu bài thực hành ở Tiểu học. - Tìm hiểu thực trạng của việc Dạy - Học phân môn từ ngữ ở trường Tiểu học Hoàng Minh, tìm giải pháp hợp lý cho việc dạy và học của học sinh lớp 4. 5. Phương pháp nghiên cứu: Để thực hiện đề tài này tôi đã sử dụng rất nhiều phương pháp trong đó có phương pháp nghiên cứu, lý luận, phương pháp điều tra, phương pháp thực nghiệm. Phần 2: Nội dung I. Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của việc dạy từ ngữ ở tiểu học. 1. Lý luận: *Vị trí: Trong chương trình môn Tiếng Việt ở Tiểu học, từ ngữ được tách thành một phân môn độc lập, từ ngữ còn được dạy trong các phân môn khác thuộc môn Tiếng Việt và trong các giờ học của các môn học khác, điều đó nói lên ý nghĩa quan trọng của việc dạy từ ngữ ở bậc tiểu học. Vốn từ là một trong những bộ phận cấu thành của ngôn ngữ không thể không đặc biệt coi trọng việc dạy vốn từ cho học sinh trong giao tiếp thông thường cả người phát (nói - viết) và người nhận (nghe - đọc) đều cần nắm được từ, hiểu từ và sử dụng từ một cách chuẩn xác thì việc giao tiếp mới diễn ra suôn sẻ đạt được hiệu quả, nhất là đối với học sinh độ tuổi tiểu học. Khi mà vốn Tiếng Việt nói chung vốn từ ngữ nói riêng ở các em còn hạn chế, cần phải được bổ sung phát triển để đáp ứng các nhu cầu học tập giao tiếp ... việc dạy từ cho học sinh càng được coi là quan trọng không thể bỏ qua. * Nhiệm vụ: Phải có ba nhiệm vụ chủ yếu của việc dạy từ ngữ ở Tiểu học là giúp học sinh phong phú hóa vốn từ, chính xác hoá vốn từ, tích cực hoá vốn từ. Phong phú hoá vốn từ, còn gọi là mở rộng vốn từ, phát triển vốn từ, xây dựng một vốn từ, phong phú có hệ thống trong trí nhớ của học sinh để tạo điều kiện cho từ đi vào hoạt động ngôn ngữ (nghe - đọc - nói - viết) được thuận lợi, chính xác hoá vốn từ là giúp học sinh hiểu nghĩa của từ một cách chính xác, phát triển kỹ năng, kỹ xảo sử dụng từ ngữ cho học sinh. Ngoài ra ở một chừng mực nào đó phân môn từ ngữ ở tiểu học còn có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh một số khái niệm có tính chất sơ giản, ban đầu về cấu tạo từ và nghĩa của từ Tiếng Việt (như các khái niệm từ đơn, từ ghép, từ láy, từ cùng nghĩa, từ trái nghĩa, nghĩa đen, nghĩa bóng). Những kiến thức có tính chất sơ giản ban đầu về cấu tạo từ và nghĩa của từ này có tác dụng làm cơ sở, làm chỗ dựa cho việc thực hành luyện tập từ ngữ của học sinh. Nhưng mục đích chủ yếu của việc dạy từ ở các phân môn này là giúp học sinh hiểu và cảm thụ tốt nội dung bài văn (trong phân môn tập đọc), vận dụng một cách thích hợp có hiệu quả trong việc làm một bài văn. 2. Cấu trúc nội dung bài học kiểu bài luyện tập thực hành, phân môn từ ngữ lớp 4. * Cấu trúc bài học trong SGK gồm 2 phần: - Phần 1: Từ ngữ cần ghi nhớ - Phần 2: Luyện tập Phần 1: Là hệ thống từ ngữ đã được sắp xếp theo một dấu hiệu riêng, nhất định yêu cầu học sinh ghi nhớ đẻ đưa vào kho từ của mình. Phần 2: Là những bài tập giải nghĩa từ và luyện từ nhằm giúp học sinh hiểu nghĩa của từ hình thành kỹ năng sử dụng từ trong giao tiếp. 3. Thực trạng dạy từ ngữ kiểu bài thực hành ở học sinh lớp 4 tại trường. Qua dự giờ thăm lớp để tìm hiểu thực tế giảng dạy từ ngữ luyện tập thực hành tôi thấy giáo viên đã dạy theo nhiều cách. - Cách thứ nhất: Học sinh đọc phần từ ngữ trong sách giáo khoa, giáo viên khi lên bảng làm cơ sở hướng dẫn, học sinh luyện tập rồi lần lượt giải nghĩa từ như câu hỏi trong sách giáo khoa, đến phần luyện từ chỉ áp dụng một cách đơn điệu đọc đề tài phân tích đề làm bài (cá nhân) trình bày bài làm - nhận xét. - Cách thứ 2: Học sinh đọc phần từ ngữ cần ghi nhớ - tìm từ khó hiểu - giáo viên ghi bảng. + Giải nghĩa các từ khó hiểu mà học sinh đã nêu. + Luyện từ: làm tương tự cách một (chỉ có một hình thức HĐ) - Cách thứ 3: Học sinh đọc thầm từ ngữ cần ghi nhớ - giáo viên chọn từ ngữ tiêu biểu của chủ đề bài học ghi lên bảng. + Giải nghĩa các từ mà giáo viên đã ghi. + Luyện từ: Cũng chỉ một hình thức hoạt động như cách 1. Cả 3 cách dạy trên tôi thấy đều có mặt hạn chế. - ở cách thứ nhất: Những từ ngữ mà sách giáo khoa có câu hỏi hướng dẫn giải nghĩa có thể là những từ ngữ các em đã hiểu trong khi một số từ các em chưa hiểu lại không được giải nghĩa dẫn đến việc học sinh lúng túng trong phần luyện từ . ở cách dạy thứ 2: Số lượng từ học sinh nêu lên có thể là hầu hết các từ trong SGK mục từ ngữ cần ghi nhớ việc giải nghĩa được tất cả các từ đã nêu chiếm nhiều thời gian nó sẽ biến thành giờ học từ ngữ thành giờ giải nghĩa từ . - ở cách dạy thứ 3: Cũng như cách dạy thứ nhất, đây là cách dạy áp đặt những từ ngữ giáo viên chọn mặc dù đã bao hàm chủ đề bài học nhưng không phù hợp với đối tượng học sinh vì có thể một số từ đó các em đã hiểu. Đặc biệt trong giờ học hầu hết giáo viên chỉ cho học sinh làm việc cá nhân, triệt để phương pháp giảng giải đàm thoại và thỉnh thoảng sử dụng phương pháp trực quan chưa biết sử dụng phát huy các phương pháp đặc thù, môn học và các hình thức hoạt động khác của học sinh ngoài hình thức hoạt động cá nhân. Về phía học sinh các em không có hứng thú học phân môn từ ngữ mà còn cho rằng học từ ngữ khó mà khô khan vì năng lực sử dụng từ và giải nghĩa từ của học sinh còn yếu. Nhận thức rõ những bất cập đó của thực trạng dạy học từ ngữ, nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của người giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tôi đã tiến hành nghiên cứu lý luận và thực tiễn tìm ra một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học từ ngữ ở trường tiểu học. * Tìm chọn quy trình phương pháp dạy học môn từ ngữ của lớp 4: Cấu trúc nội dung một bài trong SGK hiện hành gồm 2 phần: - Phần 1: Từ ngữ cần ghi nhớ - Phần 2: Luyện tập + Giải nghĩa từ + Bài tập luyện từ Để dạy tốt phần từ ngữ cần ghi nhớ giáo viên cần lưu ý rằng: "từ ngữ tích luỹ trong đầu học sinh không phải là một sự sắp xếp lộn xộn mà phải tạo thành hệ thống nhất định. Do vậy khi sử dụng từ học sinh mới nhanh chóng huy động và lựa chọn được từ ngữ chính xác nhất là vào hoàn cảnh giao tiếp của mình. Chính vì đặc điểm này để mở rộng vốn từ cho học sinh giáo viên cần chú ý tới quy luật liên tưởng khi dạy giáo viên cần chuẩn bị một hệ thống câu hỏi phát hiện để liên tưởng cho học sinh tập hợp từ một cách có hệ thống và hiểu sâu hơn. VD: - Tìm những từ chỉ đức tính tốt của học sinh. - Tìm những danh từ chỉ phương tiện đi lại, vận chuyển trên sông nước. Tập hợp từ theo cấu tạo và dựa vào cấu tạo (Yếu tố cấu tạo kiểu cấu tạo) của các từ làm dấu hiệu gợi ý học sinh trả lời. VD: Tìm tất cả các từ có tiếng "Hải" với nghĩa là biển theo cấu tạo Hải + x. - Tìm các từ ghép có tiếng "bạn" - Sau khi tiến hành xây dựng hệ thống từ theo chủ đề thì đi giải nghĩa từ việc giải nghĩa tất cả các từ là không thể và không cần thiết, vì vậy các hình thức giải nghĩa giáo viên cần phải chọn các phương pháp. + Giải nghĩa bằng trực quan dùng tranh ảnh sơ đồ vật thật để giải nghĩa từ. + Giải nghĩa bằng những cách là để xuất hiện trong một nhóm từ, một câu, một đoạn văn để làm rõ nghĩa của từ mà không cần giải thích. VD: Giải nghĩa từ "nhộn nhịp" học sinh chỉ cần đặt câu: Sân trường trong giờ ra chơi thật là nhộn nhịp. - Giải nghĩa bằng cách so sánh đối chiếu với các từ khác. VD: Giải nghĩa từ "sách" và "vở" giáo viên có thể nêu vấn đề sách và vở có gì khác nhau? - Giải nghĩa bằng cách tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa. VD: Ngăn nắp là không lớn xộn, trái nghĩa với chăm chỉ là lười biếng. - Giải nghĩa từ bằng cách phân tích từ thành tiếng (chủ yếu là giải nghĩa từ Hán - Việt). VD: Giải nghĩa từ "tâm sự", "tâm" là "lòng" "sự" là "nỗi" tâm sự là nỗi lòng. Phần cuối của bài học là luyện từ nhằm tích cực hoá vốn từ của học sinh hình thành kĩ năng sử dụng từ trong giao tiếp thông qua nhiều dạng bài tập, bài tập dạng điền từ, tạo ngữ đặt câu, viết 1 đoạn văn ngắn, chữa lỗi dùng từ. Phần này cũng có thể sử dụng nhiều hình thức dạy học: Học theo nhóm, đàm thoại trực tiếp, làm độc lập vào vở hoặc theo phiếu... * Sau khi nghiên cứu lý luận, cấn trúc nội dung chương trình và thực tiễn của việc dạy từ ngữ ở lớp 4 tôi đã mạnh dạn đưa các qui trình như sau: Dạy phần 1: Từ ngữ cần ghi nhớ (Bài: Sông nước TV4- T1) Nhiệm vụ của mục này là hướng dẫn học sinh tìm từ theo một dấu hiệu chung nào đó. Thực chất đây là việc hệ thống hoá vốn từ theo chủ đề. ở phần này tôi chọn hình thức học theo nhóm và chuẩn bị đưa ra hệ thống câu hỏi cho học sinh. Ví dụ: + Tìm những từ chỉ những nơi có dòng nước chảy thường xuyên trên mặt đất, có thuyền bè đi lại hoặc dùng để dẫn nước vào đồng ruộng ? + Tìm những từ chỉ phương tiện đi lại vận chuẩn trên sông nước ? Học sinh thảo luận nhóm rồi trình bày kết quả (Có nhận xét bổ sung). -> Giáo viên giải quyết bảng như yêu cầu SGK. Dạy phần 2: Luyện tập - Giải nghĩa từ: Giải nghĩa những từ mà học sinh cho là khó hiểu. Tuy nhiên nếu số lượng từ mà học sinh nêu lên nhiều thì lúc đó giáo viên cần chọn lọc từ ngữ trung tâm của chủ đề và có khả năng liên tưởng tới nhiều từ cùng nhóm từ để tìm hiểu nghĩa. Khi tiến hành giải nghĩa cần sử dụng tổng hợp các hình thức giải nghĩa như đã nêu ở phần trên. Ví dụ: Bài Sông nước + Phân nhóm -> Xem tranh -> Thảo luận. - Thuyền và bè có gì giống và khác nhau ? -Em hãy chỉ trong tranh vẽ đâu là canô, xà lan (H3, H4, H5) . * Bài tập điền từ: Làm việc cá nhân Đây là dạng bài tập hình thành kĩ năng sử dụng cho học sinh trong giao tiếp do vậy tôi sử dụng hình thức học cá nhân. Trước khi học sinh làm bài giáo viên phải cho học sinh nắm rõ yêu cầu, hướng dẫn học sinh thực hiện sau đó kiểm tra đánh giá kết qủa. - Luyện từ: Tuỳ theo từng bài học cụ thể mà lựa chọn hình thức học tập cụ thể cho mỗi bài tập (Theo nhóm hoặc cá nhân). - Củng cố dặn dò: + Tổ chức trò chơi học tập để củng cố kiến thức đã học. + Dặn dò: Hướng dẫn làm bài tập về nhà. III. Những bài học kinh nghiệm: Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn giảng dạy phân môn từ ngữ về một số biện pháp rèn kĩ năng học bài từ ngữ của học sinh lớp 4 bản thân tôi đã rút ra kinh nghiệm sau 1. Trước hết người giáo viên phải nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của phân môn từ ngữ lớp 4. Bởi vì khi đã nhận thức được vấn đề giáo viên sẽ tự mình tìm ra hướng đi đúng trong việc tìm tòi sáng tạo nội dung, phương pháp dạy phân môn từ ngữ và các phân môn khác. 2. Cần hiểu rõ cấu trúc nội dung bài học cũng như các nguyên tắc, phương pháp dạy học đặc trưng của phân môn từ ngữ. Có như vậy giáo viên mới có thể vận dụng tốt vào từng bài học cụ thể cho phù hợp với trình độ học sinh của mình, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh nơi mình đang giảng dạy nâng cao hiệu quả dạy học. Việc sử dụng thành thạo các phương pháp dạy học, nhất là phương pháp đặc trưng của môn học trong cùng một tiết học sẽ tạo điều kiện để học sinh phát huy tính sáng tạo, tự giác tích cực học tập nâng cao năng lực giải nghĩa từ và sử dụng cho các em. 3. Tạo không khí vui vẻ, khơi dậy hứng thú học tập của các em qua mỗi giờ dạy. Trong dạy học từ ngữ cũng như những môn học khác ở tiểu học, người giáo viên không thể bỏ qua đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh đó là học mà chơi, chơi mà học. Các trò chơi học tập sẽ giúp các em được thể hiện mình để thành công, để được cổ vũ khen ngợi từ đó nâng cao năng lực ứng xử trong sử dụng từ ngữ để giao tiếp. 4. Đổi mới phương pháp dạy học là một quá trình khó khăn phức tạp cần phải có thời gian và sự cộng tác giúp đỡ của đồng nghiệp và cấp lãnh đạo, Ban giám hiệu của trường mình. Để tìm ra một qui trình dạy học hợp lí, những phương pháp dạy từ ngữ ở tiểu học nhất là từ ngữ lớp 4 thì không thể nóng vội, cực đoan mà phải thực hiện từng bước có sự giúp đỡ học sinh hiểu sâu và rộng hơn và phát huy trí tuệ của tập thể cùng nhau đánh giá rút kinh nghiệm. 5. Bản thân mỗi giáo viên phải có ý thức trau dồi ngôn ngữ tích luỹ vốn từ để làm nền tảng, làm cơ sở cho việc dạy từ ngữ. Phần 3: Kết luận Giáo dục tiểu học là nền tảng dân trí mà nội dung phương pháp của nó tác động đặc biệt đến sự phát triển tâm lí, hình thành nhân cách học sinh. Bởi vậy phương pháp dạy học ở tiểu học là hoạt động sáng tạo, một quan tâm thường xuyên của giáo viên "Cái quan trọng nhất trong dạy học không phải là dạy cho học sinh quả đất tròn mà dạy như thế nào để học sinh biết quả đất trong (Léptônxtôi) "Dạy như thế nào" chính là cách thức tổ chức hướng dẫn học sinh luyện tập học tập để tìm ra chân lí. Với học sinh tiểu học, đi học là bước ngoặt hạnh phúc. Đến với nhà trường để tiếp thu các môn học khác, các em không thể không được học tiếng mẹ đẻ là môn học công cụ ở trường tiểu học. Đối với học sinh, để giúp trào các em có công cụ để học tập, tư duy, giao tiếp, cần phải dạy Tiếng Việt, học Tiếng Việt không có nghĩa là dạy cho các em một tín hiệu khô khan lạnh lùng. Dạy từ ngữ là dạy ngôn ngữ, đồng thời dạy cho các em tri thức Việt Nam. Qua thực tế giảng dạy Từ ngữ ở lớp 4 với những nội dung, phương pháp, qui trình như đã đề xuất phù hợp với đối tượng học sinh vùng ngoại thành như trường tiểu học Hoàng Minh. Kết quả đạt được đã khẳng định thành công của giáo viên trong việc tìm tòi, sáng tạo phương pháp dạy học mới giúp học sinh có một tư duy phong phú, sử dụng từ trong học tập, giao tiếp chính xác và chuẩn mực. Tuy nhiên việc tìm ra phương pháp dạy học mới có hiệu quả cao là một việc làm tương đối khó khăn, phức tạp cần phải là thường xuyên liên tục. Để có thành công trong lĩnh vực này không chỉ phụ thuộc vào một cá nhân nào mà đòi hỏi phải có sự quan tâm hỗ trợ đắc lực của nhiều người đó là đội ngũ giáo viên trong khối đang trực tiếp giảng dạy lớp 4, Ban giám hiệu nhà trường và các yếu tố liên quan khác. Ngày hoàn thành, ngày 10 tháng 2 năm 2004. Người viết
Tài liệu đính kèm: