Cách viết và cách đánh giá xếp loại các Đề tài cải tiến, sáng kiến kinh nghiệm

Cách viết và cách đánh giá xếp loại các Đề tài cải tiến, sáng kiến kinh nghiệm

Mỗi SKKN sẽ được Hội đồng khoa học đánh giá, xếp loại theo một trong bốn loại sau: tốt, khá, trung bình, không đạt yêu cầu. Việc đánh giá, xếp loại SKKN được áp dụng theo tiêu chuẩn sau:

- Loại tốt: nếu SKKN đạt từ 85 đến 100 điểm và số điểm của từng tiêu chuẩn phải đạt trên 50% trở lên.

- Loại khá: nếu SKKN đạt từ 75 đến dưới 85 điểm và số điểm của từng tiêu chuẩn phải đạt trên 50% trở lên.

- Loại trung bình: nếu SKKN đạt từ 50 đến dưới 75 điểm hoặc đạt từ 75 đến 100 điểm nhưng có ít nhất một tiêu chuẩn đạt số điểm từ 50% trở xuống.

- Loại không đạt yêu cầu: nếu SKKN đạt dưới 50 điểm.

 

doc 7 trang Người đăng hungphat.hp Lượt xem 7382Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Cách viết và cách đánh giá xếp loại các Đề tài cải tiến, sáng kiến kinh nghiệm", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
UBND TỈNH BẠC LIÊU
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 336 /HD-SGDĐT
Bạc Liêu, ngày 10 tháng 4 năm 2015
HƯỚNG DẪN 
Cách viết và cách đánh giá xếp loại các đề tài cải tiến, 
sáng kiến kinh nghiệm hàng năm trong ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu
Ngày 30 tháng 5 năm 2013, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Hướng dẫn số 503/HD-SGDĐT về việc hướng dẫn cách viết và cách đánh giá xếp loại các đề tài cải tiến, sáng kiến kinh nghiệm (gọi chung là sáng kiến kinh nghiệm, viết tắt là SKKN) hàng năm trong ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu. Bước đầu, Hướng dẫn đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý giáo dục, đơn vị trường học, các cơ sở giáo dục, các cán bộ quản lý, các nhà giáo trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn trong hoạt động nghiên cứu, liên hệ thực tiễn để viết đề tài cải tiến, sáng kiến kinh nghiệm, mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. 
Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng và phổ biến SKKN trong ngành, tiếp tục nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức SKKN cho phù hợp và đáp ứng được yêu cầu quy định về xét công nhận sáng kiến, giải pháp trong công tác hoặc đề tài nghiên cứu theo Quyết định 04/QĐ-HĐTĐKT ngày 10/3/2014 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cách viết và đánh giá xếp loại SKKN trong ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Về nội dung SKKN: 
Cần tập trung vào những lĩnh vực liên quan đến hoạt động của ngành như: đổi mới tổ chức, hoạt động quản lý giáo dục; đổi mới phương pháp giảng dạy; công tác giáo dục đạo đức cho học sinh; công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; thực hiện xã hội hoá giáo dục...; trong đó khuyến khích các cá nhân trong ngành quan tâm nghiên cứu một trong các đề tài, SKKN liên quan: 
- Công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo, triển khai các mặt hoạt động trong các cơ quan, đơn vị, trường học; công tác tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; 
- Tổ chức hoạt động các phòng bộ môn, phòng thực hành, phòng thiết bị và đồ dùng dạy học, phòng thí nghiệm; 
- Công tác xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động thư viện trường học; xây dựng cơ sở thực hành, thực tập; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia;
- Việc tổ chức dạy học phân hóa, dạy học 2 buổi/ngày; tổ chức bán trú trong nhà trường; việc nâng cao chất lượng dạy các môn tự chọn;...
- Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém;
- Công tác chủ nhiệm lớp, hoạt động đoàn thể;
- Đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức, cách thức quản lý các hoạt động tập thể trong và ngoài giờ lên lớp; nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho HS; 
- Đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá cho điểm học sinh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo;
- Việc thực hiện cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung; việc thực hiện các phong trào do ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu phát động như: phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp”, phong trào “Giúp đỡ học sinh yếu kém”;...
- Việc cải tiến nâng cao hiệu quả công tác Thi đua - Khen thưởng trong cơ quan, đơn vị;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy; kinh nghiệm xây dựng các phần mềm tin học, giáo án điện tử, phương pháp sử dụng hiệu quả các đồ dùng dạy học và thiết bị dạy học hiện đại vào giảng dạy. 
2. Các thông tin, tri thức trong SKKN phải được trình bày khoa học, rõ ràng, súc tích; ghi rõ nguồn tài liệu được sưu tầm, trích dẫn.
3. Các đề tài nghiên cứu khoa học tham dự hội thi sáng tạo khoa học cấp tỉnh trở lên và được xếp giải có giá trị tương đương như một đề tài do Hội đồng khoa học ngành thẩm định. 
II. MỘT SỐ GỢI Ý VIẾT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM 
1. Về cách viết:
Người viết có thể sử dụng một trong các hình thức sau đây để viết SKKN:
- Viết dưới hình thức tổng kết kinh nghiệm: 
Là cách viết mang tính tổng hợp, khái quát, đòi hỏi người viết phải dùng lý luận về giáo dục học, tâm lý học để phân tích, đánh giá thực tế giáo dục. 
Cách viết này thường áp dụng trong việc tổng kết đánh giá kinh nghiệm một cách toàn diện đối với một đơn vị hoặc một vấn đề lớn.
- Viết theo lối báo cáo thực tế: 
Là cách viết trình bày những kinh nghiệm được rút ra từ thực tế những việc làm cụ thể. Ở phần cuối của báo cáo có nêu ra khái quát những bài học kinh nghiệm. 
Hình thức này thường áp dụng trong trường hợp báo cáo, trình bày ở hội nghị sơ kết, tổng kết hoặc báo cáo chuyên đề, hội thảo.
- Viết theo lối tường thuật: 
Theo cách này, người viết nêu lên những SKKN trong chỉ đạo, quản lý, giáo dục và giảng dạy hoặc nhiệm vụ công tác khác của mình, thông qua những hoạt động cụ thể. Những hoạt động được chọn phải thật điển hình, tiêu biểu, phục vụ cho nội dung đề tài đã được xác định. Điều chủ yếu là thông qua những hoạt động này, người viết phải nêu lên được cụ thể, hợp lý cách làm mới, có tính sáng tạo, sáng kiến cải tiến, để giải quyết một thực tế về chỉ đạo, quản lý, giáo dục và giảng dạy hoặc nhiệm vụ công tác của mình có kết quả tốt; cần nêu quá trình các hoạt động này theo diễn biến thời gian của giai đoạn trước và sau khi tác động các biện pháp chỉ đạo, quản lý, giáo dục, giảng dạy. 
2. Về cấu trúc: gồm ba phần chính.
a. Đặt vấn đề 
- Nêu rõ sự cần thiết tiến hành đề tài, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục và đào tạo, cơ sở của đề tài (SKKN giáo dục nhằm giải quyết vấn đề gì; được xuất phát từ yêu cầu thực tế giáo dục nào; vấn đề được giải quyết có phải là vấn đề cần thiết của ngành, của đơn vị hay không). 
- Tổng quan thông tin về những vấn đề cần nghiên cứu, thực trạng vấn đề, tình hình nghiên cứu vấn đề trong và ngoài nước (nếu có).
- Khẳng định tính mới về khoa học của vấn đề trong điều kiện thực tế của ngành, của địa phương, đơn vị.
b. Nội dung: 
- Nêu thực trạng của vấn đề. 
- Mô tả và giới thiệu các nội dung, phương pháp, biện pháp chính (các hoạt động thực hiện SKKN) như: thu thập thông tin, điều tra khảo sát, thử nghiệm thực tế, hội thảo,... 
- Những kết quả đạt được, những kinh nghiệm rút ra, những sản phẩm chính của đề tài (phần chính của đề tài).
- Khả năng ứng dụng, triển khai kết quả của SKKN. 
c. Kết luận: 
- Kết quả của việc ứng dụng đề tài (nếu có).
- Những kết luận trong quá trình nghiên cứu. 
- Những kiến nghị, đề xuất. 
III. CÁCH ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Để có cơ sở đánh giá, xếp loại SKKN, Sở GD-ĐT quy định thang điểm, cách đánh giá xếp loại SKKN như sau:
1. Thang điểm đánh giá xếp loại SKKN: là thang điểm 100 với 5 tiêu chuẩn, được quy định như sau:
a. Phần nội dung: Đạt tối đa 95 điểm.
- Tiêu chuẩn về tính mới: (30 điểm)
Gồm 3 tiêu chí:
+ Những vấn đề đặt ra chưa có SKKN nào trước đó nghiên cứu; là những cải tiến, những đề xuất mới (10 điểm).
+ Ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học - công nghệ mới; luận điểm giáo dục mới hay phát hiện mới về tính hợp lý, hiệu quả của một giải pháp trong quá trình dạy học, quản lý giáo dục (10 điểm).
+ Vận dụng linh hoạt, sáng tạo sáng kiến, cải tiến của mình vào nhiệm vụ hoạt động của mình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh giáo dục ở địa phương, đảm bảo yêu cầu khoa học của quá trình thực hiện nhiệm vụ (10 điểm).
- Tiêu chuẩn về tính hiệu quả: (35 điểm) 
Gồm 2 tiêu chí:
+ Đem lại hiệu quả trong công tác dạy học, giáo dục và quản lý giáo dục; trong việc tiếp nhận tri thức khoa học hay hình thành kỹ năng thực hành của học sinh (25 điểm).
+ Nếu áp dụng thì hiệu quả công việc sẽ cao nhất, với lượng thời gian và sức lực được sử dụng ít nhất, tiết kiệm nhất (10 điểm).
- Tiêu chuẩn về tính ứng dụng thực tiễn: (20 điểm)
Gồm 2 tiêu chí:
+ Có khả năng ứng dụng thực tiễn, dễ hiểu và có thể ứng dụng một cách dễ dàng và đại trà trong toàn ngành giáo dục (10 điểm).
+ Được các nhà giáo, nhân viên khác vận dụng vào công việc của mình đạt kết quả cao (10 điểm).
- Tiêu chuẩn về tính khoa học: (10 điểm)
Gồm 2 tiêu chí:
+ SKKN có cơ sở, lý luận vững vàng, hợp lý, có luận cứ khoa học, xác thực (5 điểm).
+ Vấn đề nghiên cứu phải phù hợp với những thành tựu khoa học giáo dục tiên tiến trong nước và thế giới; phù hợp với đường lối, chủ trương giáo dục của Đảng và Nhà nước; phù hợp với yêu cầu, nội dung giáo dục của từng cấp học, từng cơ quan, đơn vị; phù hợp với nguyên tắc và phương châm giáo dục; phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý của học sinh, sinh viên (5 điểm).
b. Phần hình thức: Đạt tối đa 5 điểm. 
Gồm 2 tiêu chí:
+ Trình bày đúng bố cục; câu văn rõ ràng, mạch lạc; từ ngữ sử dụng đảm bảo tính chính xác (3 điểm).
+ Bài viết phải có tối thiểu 5 trang (không tính trang bìa và phần nhận xét đánh giá, xếp loại). Bài viết được trình bày đúng kỹ thuật văn bản (2 điểm).
2. Về xếp loại: 
Mỗi SKKN sẽ được Hội đồng khoa học đánh giá, xếp loại theo một trong bốn loại sau: tốt, khá, trung bình, không đạt yêu cầu. Việc đánh giá, xếp loại SKKN được áp dụng theo tiêu chuẩn sau:
- Loại tốt: nếu SKKN đạt từ 85 đến 100 điểm và số điểm của từng tiêu chuẩn phải đạt trên 50% trở lên.
- Loại khá: nếu SKKN đạt từ 75 đến dưới 85 điểm và số điểm của từng tiêu chuẩn phải đạt trên 50% trở lên.
- Loại trung bình: nếu SKKN đạt từ 50 đến dưới 75 điểm hoặc đạt từ 75 đến 100 điểm nhưng có ít nhất một tiêu chuẩn đạt số điểm từ 50% trở xuống.
- Loại không đạt yêu cầu: nếu SKKN đạt dưới 50 điểm. 
IV. TRÌNH TỰ XÉT VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
1. Đối với Hội đồng cấp cơ sở:
Căn cứ vào Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học cơ sở (do từng Hội đồng quy định), Hội đồng tiến hành họp để đánh giá, công nhận SKKN cho từng cá nhân có đăng ký và nộp SKKN theo đúng thời gian quy định.
Trên cơ sở kết quả đánh giá xếp loại của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng khoa học của cơ quan, đơn vị đề nghị thủ trưởng đơn vị xét cấp giấy công nhận cho các cá nhân có SKKN được xếp loại trung bình trở lên. Trường hợp SKKN của tập thể (có từ 2 người trở lên cùng có SKKN, nhưng không phải là người tham gia thực hiện ứng dụng SKKN) thì Chủ tịch Hội đồng xem xét quyết định đề nghị cấp giấy chứng nhận cho những cá nhân nào đó có SKKN.
2. Đối với Hội đồng cấp trên:
Hội đồng khoa học cấp trên sẽ họp xét, thẩm định, công nhận SKKN nếu có đề nghị của Hội đồng khoa học các đơn vị trực thuộc; các cơ quan quản lý giáo dục huyện, thành phố hoặc các đơn vị khác có SKKN liên quan lĩnh vực giáo dục. Việc xét thẩm định và công nhận của Hội đồng cấp trên cũng vận dụng tương tự như đối với cấp cơ sở, nhưng SKKN đó phải được Hội đồng cấp dưới thẩm định, đánh giá xếp loại từ trung bình trở lên và đã được phổ biến, triển khai ứng dụng trong phạm vi đơn vị mình. 
Riêng đối với các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học các cấp được thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước.
V. KHEN THƯỞNG VÀ CHẾ ĐỘ BẢO LƯU SKKN
Giấy công nhận SKKN là cơ sở để các đơn vị xét bình chọn các danh hiệu thi đua hàng năm, là điều kiện tham gia các hội thi (sẽ do điều lệ từng hội thi quy định). Một người có thể có nhiều SKKN.
Những SKKN được Hội đồng khoa học của ngành giáo dục tỉnh thẩm định, công nhận, xếp loại tốt thì được bảo lưu kết quả trong 02 năm học (kể cả năm học thực hiện SKKN); sử dụng trong trường hợp xét các danh hiệu thi đua.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với các Phòng Giáo dục và Đào tạo
- Các Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phát động phong trào viết và áp dụng SKKN trên địa bàn; phổ biến, hướng dẫn các yêu cầu về nội dung, hình thức và tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Hội đồng khoa học cấp huyện, thành phố để các đơn vị tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đăng ký đề tài và tiến độ thực hiện. 
- Đề nghị Hội đồng khoa học ngành giáo dục tỉnh thẩm định: Chọn gửi về Sở GD-ĐT những SKKN đã được Hội đồng khoa học huyện, thành phố đánh giá xếp loại từ trung bình trở lên để thẩm định làm cơ sở cho đơn vị trong việc bình xét đề nghị danh hiệu, hình thức khen thưởng cao hơn (nếu có).
2. Đối với cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc Sở
- Phát động phong trào viết và áp dụng SKKN, phổ biến các yêu cầu về nội dung, hình thức, tiêu chuẩn đánh giá SKKN theo quy định của Sở GD-ĐT, tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký đề tài và tiến độ thực hiện. 
- Gửi về Sở GD-ĐT các đề tài xếp loại từ trung bình trở lên để Hội đồng khoa học của ngành thẩm định.
3. Quy định về thời gian và hồ sơ SKKN gửi về Sở
3.1.Thời gian và nơi nhận SKKN:
Các đơn vị gửi hồ sơ SKKN về Sở Giáo dục và Đào tạo vào cuối tháng 4 hàng năm.
Riêng đối với học 2014-2015 là ngày 25/4/2015 theo địa chỉ sau: 
- Những SKKN cấp học mầm non; tiểu học (nếu có) nộp về phòng GDMN-GDTH Sở (gửi riêng danh sách qua Email theo địa chỉ: 
+ Cấp học Mầm non: phongGDMN.sobaclieu@moet.edu.vn 
+ Cấp học Tiểu học: phongGDTH.sobaclieu@moet.edu.vn).
- Những SKKN cấp học THCS (nếu có), THPT nộp về phòng Giáo dục trung học Sở (gửi riêng danh sách qua Email theo địa chỉ: phongGDTrH.sobaclieu@moet.edu.vn).
- Những SKKN của các trung tâm nộp về phòng GDCN-GDTX Sở (gửi riêng danh sách qua Email theo địa chỉ: phongGDCN.sobaclieu@moet.edu.vn).
- Những SKKN thuộc các lĩnh vực tài chính, cơ sở vật chất, thư viện, thiết bị ở các cấp học MN, TH, THCS (nếu có), của các Trung tâm, các đơn vị trực thuộc nộp về phòng TCCB Sở (gửi riêng danh sách qua Email theo địa chỉ: phongtccb.sobaclieu@ moet.edu.vn).
3.2. Hồ sơ SKKN gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo gồm: 
- Các SKKN được in và đóng tập theo quy cách (trang bìa theo mẫu 01, trang cuối theo mẫu 02);
- Phiếu đánh giá, xếp loại SKKN của đơn vị (theo mẫu 03);
- Tờ trình đề nghị xét, thẩm định và công nhận SKKN của đơn vị (kèm danh sách theo mẫu 04); 
- Biên bản họp chấm, xét duyệt SKKN của đơn vị. 
Đề nghị các cấp quản lý giáo dục, đơn vị trường học, các cơ sở giáo dục, các cán bộ quản lý và nhà giáo trong tỉnh tích cực tham gia, phổ biến và hưởng ứng phát huy phong trào thi đua viết SKKN ở địa phương, đơn vị mình. 
Hướng dẫn này được thực hiện từ năm học 2014-2015 và thay thế Hướng dẫn số 503/HD-SGDĐT ngày 30/5/2013 về việc hướng dẫn cách viết và cách đánh giá xếp loại các đề tài cải tiến, sáng kiến kinh nghiệm hàng năm trong ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu. 
Trong quá trình triển khai thực hiện có vấn đề gì chưa rõ, cần phản ánh về Thường trực Hội đồng khoa học của ngành để được hướng dẫn hoặc điều chỉnh hướng dẫn này cho phù hợp./. 
Nơi nhận:
- Ban Giám đốc;
- CĐGD tỉnh;
- Các phòng thuộc Sở;
- Các Phòng GDĐT;
- Các đơn vị trực thuộc Sở;
- Lưu:VT.
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
(Đã ký và đóng dấu)
Lâm Thị Sang

Tài liệu đính kèm:

  • docCV336_HD viet SKKN mới.doc