Mẹ em có một khuôn mặt rất xinh đẹp.
Mái tóc mẹ dài mượt mà. Mẹ rất hiền hậu.
Hàng ngày mẹ thường mặc những bộ quần
áo kín đáo và lịch sự để đi làm. Buổi sáng
mẹ thường dậy sớm để nấu những bữa ăn
ngon miệng cho em và bố. Sau một ngày
làm việc bận rộn, buổi tối mẹ vẫn dành
thời gian quan tâm đến em. Mẹ thường hỏi
han tình hình học tập của em và an ủi em
mỗi khi em gặp khó khăn.
BÀI THAM LUẬN HƯỚNG DẪN HỌC SINH VẬN DỤNG CÁC KIỂU CÂU ĐÃ HỌC CỦA PHÂN MÔN LUYỆN TỪ VÀ CÂU ĐỂ RÈN LUYỆN KĨ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN A. Thực trạng: Dạy học Tiếng Việt là dạy học tiếng mẹ đẻ. Dạy học Tiếng Việt giúp các em hình thành 4 kỹ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết. Phân môn Tập làm văn trong môn Tiếng Việt hội đủ 4 kỹ năng trên. Đối với HS lớp 2 thì đây là một phân môn khó. Bởi ở lứa tuổi của các em, vốn kiến thức và hiểu biết còn hạn hẹp. Bên cạnh đó việc diễn đạt ngôn ngữ kém, việc tiếp thu kiến thức khá chậm, HS nghèo vốn từ ngữ, gặp khó khăn khi vận dụng các kiểu câu trong phân môn Luyện từ và câu để viết văn, Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc học tập nói chung, học phân môn Tập làm văn nói riêng. Bên cạnh đó một số giáo viên vẫn còn chưa chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh viết câu theo các mẫu câu như: Ai thế nào? Ai làm gì? Ai thế nào? trong các giờ học phân môn Luyện từ và câu. Do đó mà học sinh không thể vận dụng tốt vào việc viết văn trong giờ học phân môn Tập làm văn. Giáo viên chưa chú trọng việc rèn cho học sinh vận dụng các mẫu câu khi viết văn trong các hoạt động: lập dàn ý, làm văn nói, trình bày bài viết và chấm, chữa bài. B. Nội dung: I. Mục đích: Để giúp học sinh viết được một đoạn văn hay không chỉ được rèn luyện trong tiết Tập làm văn mà còn phải rèn kĩ năng viết của các em trong các tiết học khác của môn Tiếng Việt. Vì vậy việc vận dụng các mẫu câu trong phân môn Luyện từ và câu để rèn học sinh viết văn là một biện pháp rất thiết thực. Đây là biện pháp mà giáo viên có thể giúp cho học sinh chủ động hình thành kỹ năng cơ bản để viết văn, diễn đạt bài văn được phong phú, cảm nhận một cách có cảm xúc về các sự vật hiện tượng, giúp HS có được nền móng tốt cho việc học tập môn Tập làm văn ở các lớp trên. II. Giải pháp: Để giúp học sinh vận dụng tốt việc sử dụng các mẫu câu trong phân môn Luyện từ và câu để viết đoạn văn ngắn theo yêu cầu của đề bài trong phân môn Tập làm văn, giáo viên có thể áp dụng những biện pháp sau: 1. Rèn học sinh kĩ năng lựa chọn các mẫu câu khi hình thành lập dàn ý: Để giúp học sinh viết được một bài văn đúng yêu cầu và đầy đủ các ý thì giáo viên cần đưa ra một hệ thống câu hỏi gợi ý rõ ràng, đầy đủ. Từ đó hệ thống các câu hỏi gợi ý, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh cách lựa chọn các mẫu câu “Ai là gì?, “Ai làm gì?”, “Ai thế nào?” cho phù hợp với nội dung từng câu hỏi. Ngoài ra giáo viên còn phải giúp học nắm được trình tự các bước khi viết một đoạn văn để sử dụng hợp lý. - Câu mở đầu: Giới thiệu đối tượng cần viết. Có thể diễn đạt bằng một câu. Thường thì các em sẽ sử dụng mẫu câu Ai là gì? - Phát triển đoạn văn: Giới thiệu đối tượng cần viết. Có thể dựa theo gợi ý, mỗi gợi ý có thể diễn đạt 2, 3 câu. Các em nên sử dụng các mẫu câu như: Ai làm gì? hay Ai thế nào? để diễn đạt các ý về hình dáng, hoạt động của đối tượng. - Câu kết thúc: Thường là nói về tình cảm, suy nghĩ, mong ước của em về đối tượng được nêu trong bài hoặc nêu ý nghĩa, lợi ích của đối tượng đó đối với cuộc sống, với mọi người. Học sinh có thể sử dụng mẫu câu Ai làm gì? hay Ai thế nào? để nói về tình cảm, suy nghĩ, mong ước của em. Ví dụ: Viết về mẹ của em. - Người mà em định kể là ai? - Hình dáng của mẹ như thế nào? - Hằng ngày mẹ làm những việc gì? - Tình cảm của em đối với mẹ? Câu mở đoạn: Giới thiệu mẹ Thường dùng mẫu câu: Ai là gì? Mẹ là người em yêu quý nhất. Phát triển đoạn văn: Kể về mẹ + Hình dáng, tính các của mẹ + Hoạt động của mẹ + Thường dùng mẫu câu Ai thế gì? + Thường dùng mẫu câu Ai thế nào? Mẹ em có một khuôn mặt rất xinh đẹp. Mái tóc mẹ dài mượt mà. Mẹ rất hiền hậu. Hàng ngày mẹ thường mặc những bộ quần áo kín đáo và lịch sự để đi làm. Buổi sáng mẹ thường dậy sớm để nấu những bữa ăn ngon miệng cho em và bố. Sau một ngày làm việc bận rộn, buổi tối mẹ vẫn dành thời gian quan tâm đến em. Mẹ thường hỏi han tình hình học tập của em và an ủi em mỗi khi em gặp khó khăn. Câu kết thúc: Tình cảm của em đối với mẹ Thường dùng mẫu câu Ai thế nào? hoặc Ai làm gì? Em rất kính trọng và biết ơn mẹ. Em mong mẹ luôn mạnh khỏe để em và bố có thể tặng mẹ thật nhiều tình yêu thương. Giáo viên sẽ nhận xét, sửa chữa những câu trả lời của học sinh theo từng gợi ý, cung cấp và gợi ý để các em được các mẫu câu phù hợp để bài văn sinh động hơn. 2. Rèn học sinh kĩ năng vận dụng các mẫu câu trong quá trình làm văn nói: Sau khi đã đưa ra các câu hỏi gợi ý và hướng dẫn học sinh các lựa chọn các mẫu câu để diễn đạt theo từng gợi ý thì giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh làm miệng, trả lời từng câu hỏi theo gợi ý bằng nhiều ý kiến khác nhau. Lúc này giáo viên sẽ giúp học sinh khắc phục Ví dụ: Tập làm văn tuần 15, TV2 yêu cầu của bài tập là: Quan sát tranh và trả lời câu hỏi: - Tranh vẽ cảnh gì? - Sóng biển như thế nào? - Trên mặt biển có gì? - Trên bầu trời có những gì? Với gợi ý của những câu hỏi này thì đa số học sinh sẽ dùng các mẫu câu đã học sẽ trả lời đơn giản như sau: a) Tranh vẽ cảnh biển. b) Sóng biển đang dềnh lên. c) Trên mặt biển có những con thuyền và những con hải âu. d) Trên bầu trời có ông mặt trời và những đám mây. Tuy là các em đã vận dụng được những mẫu câu đã học để trả lời các câu hỏi này nhưng những câu trả lời này rất khô khan, rất sơ lược về bức tranh, chưa phải là những câu văn hay, có hình ảnh. Vì vậy, giáo viên cần định hướng thêm cách trả lời câu hỏi bằng những mẫu câu mở rộng với những từ ngữ phong phú để câu văn hay hơn, sinh động hơn. Ví dụ: Học sinh có thể các câu hỏi bằng các cách sau: - Câu hỏi a: Tranh vẽ cảnh biển buổi sớm mai./ Tranh vẽ cảnh khi mặt trời đỏ rực đang từ dưới biển đi lên bầu trời. - Câu hỏi b: Sóng biển nhấp nhô trên mặt biển xanh./ Những con sóng lớn nhỏ xô vào bờ tung bọt trắng xoá. - Câu hỏi c: Trên mặt biển, những cánh buồm nhiều màu sắc đang ra khơi./ Trên mặt biển, những cánh buồm đang lướt sóng, đàn hải âu đang bay về phía chân trời. - Câu hỏi d: Ông mặt trời như quả bóng màu đỏ treo lơ lửng giữa không trung./ Những đám mây đang trôi bồng bềnh. Giáo viên khuyến khích, khen ngợi và giới thiệu thêm một số câu văn hay, hình ảnh đẹp để động viên học sinh. Sau khi trả lời lần lượt các câu hỏi, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh trình bày lại toàn bộ nội dung các câu hỏi để giúp học sinh định hình được đoạn văn mà các em sẽ trình bày viết. Qúa trình học sinh hình thành văn nói theo yêu cầu và kết hợp sử dụng hình ảnh cũng là thời điểm học sinh đang vận dụng các mẫu câu đã được học. 3. Rèn học sinh kĩ năng vận dụng các mẫu câu khi trình bày văn viết: Sau khi đã rèn học sinh kĩ năng nói, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh viết liền mạch các câu trả lời thành một đoạn văn theo trình tự: câu mở đầu, phát triển đoạn và câu kết thúc. Học sinh có thể viết đoạn văn trên bảng phụ, giấy nháp hoặc viết trực tiếp vào vở Để giúp học sinh hiểu rõ các viết các mẫu câu khi viết văn, giáo viên có thể đưa ra một số tiêu chí nhận xét trong bài, trong đó bao gồm cả nội dung viết câu. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh tiêu chí khi viết một câu văn và đoạn văn. Khi viết câu văn phải đảm bảo 2 phần: hình thức cấu tạo và mặt nghĩa. + Hình thức cấu tạo: Phải sử dụng đúng một trong các mẫu câu: Ai là gì?/ Ai làm gì? Ai thế nào? và có đầy đủ 2 bộ phận của từng mẫu câu; đúng chính tả. + Mặt nghĩa: Người đọc người nghe phải hiểu được nội dung của câu văn. Khi viết đoạn văn cần sắp xếp các ý văn phù hợp trình tự theo các gợi ý mà giáo viên đưa ra, viết đủ ý, kết nối các ý chặt chẽ với nhau và đúng với chủ đề của bài văn. Từ bài viết của học sinh, giáo viên sẽ sửa lỗi trực tiếp về các dùng từ, đặc biệt là các sử dụng các mẫu câu. Qua đó, giáo viên sẽ hướng dẫn để học sinh có thể dùng mẫu câu phù hợp và chính xác hơn. 4. Rèn học sinh kĩ năng vận dụng các mẫu câu khi giáo viên chấm, chữa bài: Giáo viên cần thực hiện nghiêm túc việc chấm và chữa bài vì đây là việc làm hết sức cần thiết, giúp học sinh nhận ra lỗi sai để điều chỉnh, sửa chữa, hoàn chỉnh bài văn. Học sinh lớp 2 chưa được học và luyện tập nhiều về từ ngữ, ngữ pháp, chắc chắn trong bài viết của các em sẽ rất nhiều lỗi sai. Trong quá trình chấm bài, giáo viên phát hiện, giúp học sinh khắc phục, biết lựa chọn, thay thế các từ ngữ cho phù hợp và đặc biệt là diễn đạt các câu văn có đúng theo các mẫu câu đã học, đủ hai bộ phận của từng mẫu câu: Bộ phận trả lời cho câu hỏi Ai (cái gì?/ con gì)?, bộ phận trả lời cho câu hỏi Là gì? (hoặc làm gì?/ như thế nào?). Đối với những bài làm có ý hay, giáo viên giúp học sinh gọt giũa, trau chuốt thêm cho bài văn được hay hơn. Khi sửa bài, giáo viên nên giới thiệu những bài làm hay ở năm học trước hoặc những bài hay của học sinh trong lớp cho các em tham khảo, từ đó nhận thấy sự khác nhau về cách diễn đạt trong cùng một đề tài để các em hiểu rằng những bài làm thể hiện suy nghĩ độc lập của cá nhân. C. Kết luận: Vận dụng các kiểu câu trong phân môn Luyện từ và câu để rèn luyện kĩ năng viết văn cho học sinh là một yêu cầu rất cần thiết vì phân môn Luyện từ và câu có liên quan đến việc nói – viết – đặt câu để áp dụng vào các môn học khác, đặc biệt cơ sở để các em học tốt phân môn Tập làm văn. Vận dụng các kiểu câu trong phân môn Luyện từ và câu để rèn luyện kĩ năng viết văn cho học sinh không chỉ giúp học sinh có thể tự bản thân viết được một đoạn văn theo chủ đề mà còn giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức một cách chủ động, thoải mái; không khô khan, tránh nhàm chán khi viết văn và nâng cao ý thức viết văn để biến trí thức của loài người thành của riêng mình.
Tài liệu đính kèm: